Giữa sân trường mùa hạ, một cô gái nhỏ ngồi lặng lẽ ôn lại từ vựng Minna no Nihongo, bên cạnh là cuốn sổ dày đặc những gạch đầu dòng và bút dạ nhiều màu. Ít ai biết rằng, từ những trang sách ấy, Thảo đã vẽ nên hành trình của riêng mình – một hành trình dẫn cô từ Hà Nội đến tận Fukuoka, từ học sinh thành cô gái bản lĩnh giữa đất Nhật xa xôi.
Lựa chọn mang tên “trái tim”
Thảo từng đứng trước hai ngã rẽ lớn, khi cô được nhận lời mời tuyển thẳng từ hai trường: Đại học Ngoại thương và Đại học Ngoại ngữ. Nhưng thay vì đi theo con đường kinh tế mà nhiều người lựa chọn, cô lắng nghe tiếng gọi từ bên trong – một sự tò mò, một sự thôi thúc khó giải thích với tiếng Nhật và nghề giáo. Quyết định chọn ngành Sư phạm tiếng Nhật đến từ ba lý do: sự độc nhất của chương trình đào tạo tại ĐHNN, niềm đam mê với lý luận ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy, và cả sự chủ động tài chính khi ngành được miễn học phí, giúp cô có điều kiện học hỏi sâu hơn thay vì phải làm thêm quá nhiều.
Bốn năm: Một hành trình của ý chí và khát vọng
Bốn năm đại học là bốn năm của những giờ học hăng say, những bài giảng sâu sắc và cả những ngày trăn trở, đôi khi là bật khóc. Hai năm đầu, Thảo học các môn thực hành tiếng từ những giáo trình nổi tiếng như Minna no Nihongo, Shinkanzen, Mimikara,… cùng với các tài liệu được giảng viên biên soạn riêng dựa trên trải nghiệm du học. Hai năm sau, cô bước vào thế giới của lý luận giảng dạy, tâm lý học ngoại ngữ, giao tiếp liên văn hóa và đất nước học – những kiến thức giúp cô hiểu sâu hơn không chỉ về ngôn ngữ, mà cả về con người và văn hóa Nhật Bản.
Thế nhưng, không phải lúc nào hành trình này cũng suôn sẻ. Khó khăn đầu tiên là sự khác biệt hoàn toàn giữa hệ chữ tượng hình của tiếng Nhật và bảng chữ cái Latin quen thuộc. Thêm vào đó, khi bước vào lớp, Thảo sớm nhận ra có những bạn đã học tiếng Nhật từ cấp 3, khiến cô không tránh khỏi cảm giác tự ti. Và rồi, đại dịch COVID 19 ập đến, mọi thứ chuyển sang học online – giai đoạn mà cô miêu tả là “stress kinh khủng”. Có lần, vì điểm quá thấp, cô đã khóc và không ăn tối, khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Nhưng chính từ những lần chạm đáy ấy, cô học được cách đứng dậy mạnh mẽ hơn.
Cánh cửa mới mở ra từ khát khao cũ
Tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc, chứng chỉ JLPT N2 và Tiếng Anh C1, Thảo có thể lựa chọn ở lại để giảng dạy. Nhưng cô quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” để bắt đầu một cuộc hành trình mới – làm việc tại chuỗi khách sạn FJ ở Fukuoka, Nhật Bản.
“Vì sao lại là ngành dịch vụ?” – Có người từng hỏi cô như vậy. Và Thảo đã mỉm cười, trả lời rằng: “Tôi học sư phạm, nhưng tôi muốn hiểu ngôn ngữ trong cuộc sống thực. Tôi muốn học cách người Nhật giao tiếp, phục vụ, và đối xử với nhau. Tôi muốn tận mắt trải nghiệm tinh thần omotenashi – nghệ thuật phục vụ của người Nhật”. Đó không chỉ là công việc, mà còn là lớp học lớn nhất về ngôn ngữ và văn hóa mà cô từng tham gia.
Thảo bày tỏ: “Đừng sợ tiếng Nhật! Nó không phải là ngôn ngữ khó nhất thế giới. Ai cũng từng bắt đầu từ số 0 – kể cả mình. Khó thì cứ khóc, mệt thì cứ nghỉ, nhưng đừng bỏ cuộc. Sau cơn mưa, trời sẽ sáng. Nếu bạn có ước mơ đến Nhật – hãy dũng cảm lên. Một đất nước khác, một thế giới khác, có thể khiến bạn sợ hãi lúc đầu, nhưng khi bạn dám bước ra, bạn sẽ lớn lên, sẽ thay đổi và sẽ yêu chính phiên bản mới của mình.”
Từ những ngày đầu loay hoay với từng nét chữ hiragana, đến hiện tại, là cô gái trẻ đang mỉm cười chào đón khách bằng tiếng Nhật tại Fukuoka – hành trình của Thảo là minh chứng rằng: chỉ cần bạn đủ kiên trì và dũng cảm, thì dù ngôn ngữ nào, đất nước nào, cũng sẽ dần trở thành một phần thân quen trong tim.