Visa du học Nhật Bản vẫn luôn là một trong những điều kiện tiên quyết và được quan tâm hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh học sinh trước khi cho con em mình đi du học Nhật Bản. Hiểu được vấn đề này, iSempai xin gửi tới quý anh chị và các bạn tất tần tật thông tin về visa du học tại xứ Phù Tang trong bài viết này nhé.
I. Giới thiệu chung về visa du học Nhật Bản
Visa nói chung hay visa du học nói chung tại Nhật Bản được coi là bằng chứng hợp pháp để bạn có thể nhập cảnh hay xuất cảnh hợp pháp tại Nhật Bản. Cụ thể, visa du học Nhật Bản chính là thị thực nhập cảnh được cấp cho du học sinh người nước ngoài với mục đích chính là tới Nhật Bản để học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo của Nhật như trường Nhật ngữ, Cao đẳng, Đại học, sau Đại học, trường Chuyên môn.
Ngoài ra, visa du học Nhật Bản cũng là điều kiện cần để bạn có thể thực hiện ước mơ du học Nhật Bản. Sau khi có tư cách lưu trú tại Nhật, bạn cần phải xin visa du học tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Chú ý: Phân biệt visa và passport
Nếu bạn mới tìm hiểu về du học Nhật Bản và các thủ tục cho quá trình này chắc hẳn đã nghe về passport (Hộ chiếu) và cả visa (thị thực nhập cảnh) nữa đúng không. Với mỗi loại giấy tờ sẽ có chức năng khác nhau, nhưng nhiều bạn vẫn hiểu nhầm 2 loại này là 1.
- Trên thực tế, Passport – còn được gọi là hộ chiếu – được Chính phủ Việt Nam cấp chứng nhận rằng công dân có quyền xuất cảnh khỏi Việt Nam, đồng thời được nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.
- Trong đó, Visa – còn gọi là thị thực nhập cảnh – là chứng nhận do Chính phủ Nhật Bản cấp cho người nước ngoài khi có nhu cầu tới Nhật Bản với mục đích nào đó. Trong bài viết này, visa du học Nhật Bản được cấp cho du học sinh sang Nhật với nhu cầu học tập trong hệ thống đào tạo tại xứ Phù Tang.
II. Thông tin từ Đại sứ quán về xin visa du học 2024
Để có thể chủ động, bạn cần phải nắm được các thông tin được cập nhật thường xuyên về chương trình Du học Nhật Bản, trong đó có vấn đề xin visa. Bạn có thể vào xem trực tiếp tại link https://www.vn.emb-japan.go.jp/itpr_ja/visanhapcanhnhatban.html
Trong đó, 2 thông tin cần được chú ý nhất là:
- Những thông tin về việc kéo dài thời gian xin xét duyệt hồ sơ cấp visa tiêu chuẩn: với thời gian xét hồ sơ xin visa kéo dài lên đến 5 ngày.
- Thông tin về các công ty, tổ chức Đại sứ quán không chấp nhận và duyệt hồ sơ xin visa. Đối với những công ty bị đình chỉ tạm thời, hoặc thậm chí miễn cấp visa vô thời hạn bạn cần xem thật kỹ để tránh làm lỡ thời gian chuẩn bị hồ sơ và nhập học năm học mới của bạn.
III. 3 Loại visa du học Nhật Bản mới nhất 2024
Xin visa du học là một bước quan trọng không thể thiếu trong hành trình du học Nhật Bản. Tuy nhiên, trong loại visa này cũng được chia nhỏ ra thành 3 loại khác nhau về mục đích gồm: visa du học tiếng Nhật, visa du học bậc cao đẳng, đại học, sau đại học và visa tu nghiệp sinh, nghiên cứu sinh.
1. Visa du học tiếng Nhật
Với visa du học tiếng Nhật, du học sinh nước ngoài sẽ được đăng ký học tập tại các cơ sở đào tạo tiếng Nhật, các trường cao đẳng, đại học tại Nhật mà chưa đăng ký đầu vào. Thời gian visa có thể gia hạn thêm, tùy thuộc vào các chương trình học mà bạn đăng ký, cụ thể là chương trình học dài hạn, ngắn hạn, học hè,…
Không dừng lại tại đây, bạn có thể đăng ký theo nhu cầu học các khóa học tiếng Nhật nâng cao, với mục tiêu nhanh chóng nhận chứng chỉ tiếng Nhật cấp độ cao và tốt nghiệp các trường Nhật ngữ.Cũng chính vì đặc điểm này mà loại visa này thường được gọi với cái tên visa du học tiếng.
Với trường hợp bạn ngừng học tiếng Nhật và trở về Việt Nam nhưng sau này phát sinh nhu cầu xin visa sang Nhật học tiếng thì sẽ phải làm thủ tục xin visa lại từ đầu. Nhưng theo kinh nghiệm của các Sempai trước đây thì rất khó để xin visa trong trường hợp này. Lý do cũng bởi cục xuất nhập cảnh nghi ngờ lý do về nước của bạn tại lần xin visa trước. Đa số sẽ rơi vào 1 trong các trường hợp sau: trốn học, bỏ học, làm quá giờ, vi phạm quy định và pháp luật Nhật Bản, bị trục xuất. Đây là lý do chính bị từ chối xin cấp visa du học.
2. Visa du học bậc cao đẳng, đại học, sau đại học
Visa du học bậc cao đẳng, đại học, sau đại học được áp dụng cho những sinh viên đã tốt nghiệp các trường tiếng Nhật, có trình độ tiếng Nhật đáp ứng yêu cầu cũng như có mong muốn, nguyện vọng học tại trường Cao đẳng, Đại học, trường chuyên môn nào đó tại Nhật.
Lúc này, bạn không cần làm gì, cơ sở giáo dục, các trường Nhật ngữ mà bạn đang theo học sẽ hỗ trợ bạn chuyển đổi từ visa du học tiếng sang visa du học bậc cao đẳng, đại học, sau đại học. Ngay sau khi xin được visa học đại học, bạn sẽ bắt đầu nhập học và học tại các trường mà bạn đã lựa chọn.
Đối với loại visa này, hiệu lực thông thường sẽ đến khi bạn học xong và tốt nghiệp trường Cao đẳng, Đại học mà bạn học.
Có trường hợp đặc biệt là sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ, lúc này bạn chưa có nhu cầu học lên Đại học ngay thì có thể về Việt Nam trước. Sau này, khi đã quyết định lựa chọn được trường Đại học mà mình mong muốn có thể đăng ký thông qua chương trình du học sinh quay lại Nhật Bản lần 2.
3. Visa tu nghiệp sinh, nghiên cứu sinh
Visa tu nghiệp sinh, nghiên cứu sinh là chương trình đào tạo có phát lương cho người học. Tuy nhiên, trong thời gian visa còn hiệu lực, bạn sẽ không được chuyển sang bất kỳ loại visa nào khác. Cùng với đó, visa cũng sẽ không cấp cho những người đã lớn tuổi.
Ngoài ra, visa tu nghiệp sinh là loại visa không thể gia hạn, vì thế, nếu hết thời hạn lưu trú visa cho phép, bạn cần phải về nước. Nếu bạn đã quay trở lại Việt Nam và muốn quay lại Nhật Bản sử dụng visa tu nghiệp sinh này thì cần phải chuẩn bị chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên, và ưu tiên những ai dưới 30 tuổi.
IV. Điều kiện để xin visa du học tại Nhật
Một trong những đầu việc đầu tiên mà bạn cần làm là kiểm tra thật kỹ các điều kiện cơ bản để xin được visa du học Nhật Bản.
Và dưới đây là những điều kiện chung, bắt buộc mà bạn cần đạt được:
- Đã đỗ hoặc thông qua các kỳ thi tuyển sinh của một trong những trường như Nhật ngữ, Cao đẳng, Đại học, trường Chuyên môn.
- Có trình độ Nhật ngữ nhất định, tối thiểu là N5, tuy nhiên để xác định chính xác, bạn cần kiểm tra thật kỹ thông tin của trường mà bạn muốn theo học nhé.
- Và đảm bảo đủ điều kiện tài chính chi trả trong suốt quá trình học tập tại Nhật Bản.
Ngoài những điều kiện trên, đối với mỗi loại visa du học Nhật sẽ có thêm một vài yêu cầu khác nữa.
1. Một số điều kiện khác với visa du học tiếng Nhật
- Đã tốt nghiệp THPT, điểm trung bình đạt trên 6.0 trở lên.
- Độ tuổi: 18 – 30 tuổi
- Trình độ Nhật ngữ tối thiểu N5.
2. Một số điều kiện khác với visa du học đại học, cao đẳng
- Trình độ Nhật ngữ yêu cầu tối thiểu từ N3 trở lên
- Đã tốt nghiệp THPT trong thời gian không quá 4 năm sau khi ra trường. Với những bạn đã tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học thì không quá 6 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin visa.
- Điểm trung bình trên 6.0 và không môn nào bị yếu
- Độ tuổi: 18 – 30 tuổi
- Chứng minh được khả năng tài chính thông qua việc mở tài khoản ngân hàng trước thời điểm nhập học ít nhất 6 tháng và số tiền duy trì trong tài khoản là 500 triệu. Bên cạnh đó, người bảo lãnh cần chứng minh được mức thu nhập bình quân khoảng 350 triệu.
3. Một số điều kiện khác với visa tu nghiệp sinh, nghiên cứu sinh
- Tốt nghiệp THPT. Điểm trung bình học tập nên đáp ứng GPA từ 6.0 trở lên.
- Tuổi: Từ 15-28
- Không có tiền án, tiền sự
- Không bị cấm xuất nhập cảnh ở Việt Nam và Nhật Bản
- Không được mắc các bệnh truyền nhiễm
V. Thời hạn của visa du học
Về thời hạn của visa du học, bạn cần nắm được một cách chắn chắn để lựa chọn phù hợp với mục tiêu du học ngắn hạn hay dài hạn của bản thân.
1. Thời hạn đối với visa du học tiếng Nhật
Visa du học tiếng có thời hạn tối đa 24 tháng. Chính vì thế, bạn cần chú ý:
- Nếu trong khoảng thời gian 1 năm bạn học tại trường Nhật ngữ rồi mà chưa tốt nghiệp, muốn chuyển trường Nhật ngữ thì bạn cũng chỉ còn 1 năm.
- Tương tự, nếu học chương trình 1 năm 6 tháng, thì bạn còn khoảng 6 tháng để học trường thứ 2.
2. Thời hạn đối với visa du học Nhật Bản
Đối với visa hệ cao đẳng, đại học, thời hạn sẽ kéo dài hơn visa du học tiếng. Thời hạn cũng phụ thuộc vào chương trình học mà bạn chọn. Thông thường sẽ kéo dài khoảng 2 đến 4 năm, nếu bạn học trương chình lâu hơn có thể thời hạn sẽ kéo dài hơn.
Visa sẽ được gia hạn đến khi bạn tốt nghiệp trường Cao đẳng, Đại học đã đăng ký.
3. Thời hạn đối với Visa tu nghiệp sinh, nghiên cứu sinh
Visa tu nghiệp thường có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Trong đó, tùy vào chương trình học mà lựa chọn thời hạn lưu trú phù hợp.
Tuy nhiên, lưu ý chọn thời hạn phù hợp, bởi khi visa tu nghiệp hết hạn, bạn sẽ phải về Việt Nam mà không thể gia hạn được.
VI. Quy trình xin visa du học Nhật Bản bạn cần nắm được
1. Chuẩn bị bộ hồ sơ xin visa du học Nhật
Thông thường, bạn cần xin COE (chính là giấy xác nhận đủ tư cách lưu trú tại Nhật Bản) trước. Nếu có COE rồi thì quá trình xin visa cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Sau đó, hãy chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ sau:
- Hộ chiếu gốc phải còn hạn trên 6 tháng
- Tờ khai xin cấp visa. Bạn có thể tại ngay tại trang xin cấp visa Nhật Bản tại đường link http://www.vn.emb-japan.go.jp/document/pdf/visa1.pdf
- 01 ảnh 4,5cm x 4,5cm (ảnh phải là ảnh nền trắng và chụp áo sơ mi có cổ).
- Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú tại Nhật Bản (COE) (bản gốc và bản photo).
- Giấy báo nhập học (bản photo, chú ý nên cầm theo bản gốc có dấu của nhà trường để đối chiếu khi cần).
- Để xin visa Du học sang những trường tiếng Nhật bạn cần phải nộp “Giấy chứng nhận văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”
- Chứng chỉ năng lực tiếng Nhật một bản photocopy
2. Hướng dẫn cách điền tờ khai xin visa
Hướng dẫn cách điền tờ khai xin visa
Trong bộ hồ sơ, các giấy tờ khác có thể chuẩn bị thông qua thi, những giấy tờ tùy thân chỉ cần bạn sử dụng bản gốc và bản photo là đủ. Riêng Tờ khai xin cấp visa bạn cần nghiên cứu thật ký trước khi điền để tránh sai sót.
Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn khai tờ khai này dễ dàng hơn.
Một số lưu ý iSempai muốn gửi đến bạn:
- Dán ảnh ở góc phải trên cùng của tờ khai (tuyệt đối không dùng dập ghim, ảnh phải rõ nét, không che mặt và thời gian chụp ảnh trong vòng 6 tháng gần nhất)
- Tờ khai bạn có thể tải về sau đó điền thông tin thông qua máy tính rồi in ra, hoặc cũng có thể in ra trước rồi điền thông tin bằng tay đều được.
- Chú ý sử dụng tiếng Anh để điền vào tờ khai nhé
- Các thông tin cần điền trong CCCD hay CMT thì hãy điền chính xác những thông tin đó vào tờ khai để quá trình đối chiếu thuận lợi, dễ dàng hơn.
- Cuối cùng, thông tin về số điện thoại, tốt nhất bạn nên nhập sđt dùng mã vùng +84.
3. Các thủ tục để xin visa du học Nhật Bản
Nộp hồ sơ xin visa du học
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bước tiếp theo là chọn đúng địa điểm để xin xét duyệt.
Bạn có thể nộp trực tiếp tại 1 trong 2 địa điểm sau:
Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (phụ trách các tỉnh Gia Lai, Bình Định trở ra Bắc).
- Địa chỉ: 27 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội.
- Điện thoại: 84-4-3846-3000.
Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP HCM (phụ trách khu vực miền Nam từ các tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên trở vào).
- Địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
- Điện thoại: 08 – 3933-3510.
4. Kinh nghiệm Phỏng vấn xin visa du học Nhật
Phỏng vấn visa luôn là một trong những ải mà nhiều bạn lo lắng nhất. Có thể nói, chúng không căng thẳng như các kỳ thi tiếng Nhật hay kỳ thi chuyên môn nhưng nếu không vượt qua được thì gần như kế hoạch đổ bể và phải chờ tới lần tiếp theo. Qua đó, tạo áp lực vô hình khiến bản thân cảm thấy lo lắng.
Trong nhiều trường hợp, Đại sứ quán sẽ phỏng vấn bạn trực tiếp, do đó bạn cần giữ được tinh thần thoải mái và luôn trong trạng thái sẵn sàng. Sự tự tin, phong thái thong dong, dường như xin visa cũng như 1 phần công chuyện của cuộc sống sẽ giúp bạn chiếm được lòng tin từ phía ĐSQ.
Cuộc phỏng vấn có thể sử dụng cả tiếng Việt nhưng đa số là các câu hỏi bằng tiếng Nhật, nhằm đánh giá về năng lực sử dụng tiếng cũng như độ thông hiểu văn hóa con người Nhật nhất định.
Khi phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị một số vật dụng nhất định sau:
- Mang theo chứng minh nhân dân gốc và một bản photo.
- Giấy biên nhận hồ sơ xin Visa (giấy hẹn lấy kết quả, khi bạn nộp hồ sơ ban đầu ) – một bản photo.
- Giấy xác nhận học tiếng.
- Chứng chỉ tiếng Nhật (1 bản photo hoặc gốc nếu có).
- Mang theo bút bi đen để điền Tờ khai thông tin
VII. Kinh nghiệm xin visa du học thành công từ các Sempai
Trong quá trình xin visa, bạn cũng cần chú ý một số kinh nghiệm sau, nếu không chú ý rất có thể sẽ khiến bạn gặp phải hoàn cảnh dở khóc dở cười đó.
- Dù có gấp gáp và có thể đội phí thêm đôi chút nhưng tốt nhất bạn nên đặt vé máy bay sau khi đã đậu visa xin du học nhé. Vì có thể, đôi lúc ĐSQ cấp visa không trùng lịch bay, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển cũng như học tập của bạn.
- Trong toàn bộ quá trình trước, trong cũng như sau khi làm thủ tục xin visa, bạn cần phải trung thực, xuất trình đầy đủ giấy tờ cũng như sắp xếp gọn gàng chỉnh chu, cung cấp lịch trình di chuyển trung thực nhất có thể để toàn bộ quá trình xin visa thuận lợi.
- Hồ sơ chứng minh tài chính cần có ngân hàng đảm bảo với đủ số tiền thiết yếu cho việc du học. Hoặc giấy tờ thân nhân có đủ khả năng tài chính bảo lãnh việc học của bạn.
- Ngoài ra, nếu trong giai đoạn xét duyệt visa, ĐSQ cần thêm hồ sơ mà bạn lại không chuẩn bị kịp, không giao đúng hẹn rất có khả năng hồ sơ sẽ bị dừng xét duyệt.
- Các giấy tờ cần thiết cần lấy lại như giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân,… du học sinh nên gửi kèm theo một bản photocopy.
VIII. Những trường hợp không đủ điều kiện xin visa du học
Thông thường hồ sơ xin visa sẽ được duyệt và thông báo đến bạn trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, nếu hồ sơ không được duyệt thì khả năng sẽ nằm trong 1 hoặc vài trường hợp cụ thể sau.
- Bạn đã bị trượt khi xin visa tại các nước khác, hoặc visa đã quá hạn không thể gia hạn nữa.
- Bạn không cung cấp các giấy tờ gốc theo quy định của Đại sứ quán và lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam.
- Lịch trình du học và thời gian học tập không hợp lý, hoặc là quá dày, có dấu hiệu chỉnh sửa nhiều.
- Xin visa không đúng mục đích du học, mục tiêu sang Nhật để đi du lịch hoặc đi làm.
- Không chứng minh được hoặc chứng minh không đủ thuyết phục khiến bộ phận xét duyệt của ĐSQ từ chối.
- Sắp xếp hồ sơ không hợp lý khiến tiến trình xét duyệt trở nên khó khăn, dẫn đến nhiều trường hợp chậm trễ.
IX. Một số mẹo giúp bạn gia hạn visa du học thành công
Không nghỉ học quá nhiều
Việc bạn hoàn thành tốt chương trình học, cũng như lịch trình học dự kiến cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá xét duyệt gia hạn visa cho bạn. Việc nghỉ học nhiều, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, mà còn là điểm trừ lớn đánh giá thái độ cũng như mục tiêu khi bạn quyết định du học Nhật Bản.
Sau khi visa hết hạn, nếu bạn đủ điều kiện cần thiết, có thể đăng ký gia hạn visa, sau thời gian đánh giá, bạn sẽ được tiếp tục gia hạn và tiến hành hoàn thành các chương trình học của mình.
Không nợ học phí
Việc nợ học phí cũng chứng tỏ bạn không đủ năng lực tài chính để tiếp tục ở lại học tập tại Nhật Bản. Nó cũng sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc xét duyệt gia hạn khó khăn.
Không vi phạm quy định, pháp luật
Đây dường như là quy định bắt buộc. Nếu bạn không tuân thủ các quy định học tập mà nhà trường đề ra, thậm chí có những hành vi vi phạm phát luật, thì không chỉ không được gia hạn visa mà bạn còn có thể bị trục xuất khỏi Nhật Bản đó. Vậy nên, hãy thật tập trung và cố gắng nhé, để có thể hoàn thành những mục tiêu mà ban đầu bạn đặt ra.
Không để quá hạn visa mới xin gia hạn
Và cuối cùng, bạn hãy kiểm tra và nhớ kỹ visa của mình có thời hạn đến ngày tháng năm nào để có thể làm thủ tục gia hạn trước khi visa bị hết hạn nhé. Nếu k gia hạn, bạn sẽ phải về Việt Nam đó, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của bạn.
Một bài viết thật dài, nhưng đây là những thông tin quan trọng mà bất kì bạn du học sinh nào muốn thực hiện ước mơ du học Nhật Bản cũng sẽ cần tìm hiểu qua. Vừa giúp bản thân có thêm kiến thức, vừa giúp quá trình chuẩn bị càng thêm kỹ càng hơn. iSempai cũng hiểu là không có hành trình nào là dễ dàng, nhưng các Sempai đã chứng minh rằng, chỉ cần cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn và bạn có thể làm được. Nếu cần thêm thông tin gì, bạn đừng ngại, có thể liên hệ với trung tâm qua số hotline để được nhận tư vấn miễn phí nhé.